TIN NỔI BẬT TIN NỔI BẬT

Lịch sử Văn hoá truyền thống làng Hạ Mỗ. Phần 2
Ngày đăng 06/03/2021 | 17:54  | Lượt xem: 490

 

Miếu Hàm Rồng xã Hạ Mỗ

II. HẠ MỖ TRONG QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC

1. Khái quát chung

Cũng như các làng xã vùng châu thổ sông Hồng, nói rộng hơn là vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Hạ Mỗ là một quần cư sớm xuất hiện.

Như đã trình bày trong phần “Những thay đổi về địa giới và hành chính”, Hạ Mỗ hay Ô Diên đều là những địa danh được xuất hiện rất sớm.

Trong quá trình hình thành và phát triển, người Hạ Mỗ - đất Ô Diên đã luôn Đồng hành trong cuộc đấu tranh của người Việt để tồn tại và phát triển.

Ngay từ thuở vua Hùng, nhà nước Văn Lang bóng dáng một vùng sông nước mênh mông, Hạ Mỗ hay Ô Diên là một bộ phận của bộ Chu Diên hay Giao Chỉ.

Những di tích khảo cổ học thời Hùng Vương thường rộng hàng nghìn mét vuông cho đến vài vạn mét vuông và tầng văn hóa khá rộng. Đó là những xóm làng định cư ít ra vào giai đoạn cuối thời Hùng Vương dựa trên cơ sở công xã nông thôn. Trong tiếng Việt, những công xã nông thôn mà sau này được gọi là làng (xã), nhưng trước đấy còn có những tên gọi Hạ cổ hơn như Kẻ, Chạ, Chiềng. Tiếng Kẻ thường đi liền với tên Nôm của làng như Kẻ Ó thời cổ, Kẻ Mỗ hay Kẻ Mố sau này.

Tiếng Chạ còn để lại dấu ấn trong câu rao của seo mõ hay câu giáo đầu của hát Chèo “Chiềng làng, chiềng chạ…”.

Chạ hay tục kết chạ (kết nghĩa làng này với làng kia) ví như Hạ Mỗ - Thượng Mỗ [1], Hạ Mỗ - Tiên Tân [2] thời xưa.

Hạ Mỗ cùng bao làng khác vẫn tồn tại tự bao đời trong lịch sử các giai đoạn của làng xã từ thời nghìn năm chống Bắc thuộc.

Sau khi cướp nước ta, kẻ thù đã thủ tiêu chủ quyền quốc gia, xóa bỏ thể chế nhà nước của các Vua Hùng, Vua Thục. Nhưng suốt thời Bắc thuộc, nói đúng hơn là suốt thời gian chống Bắc thuộc chúng không thể nào với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của nhân dân ta.

Và khi thực dân Pháp xâm lược, xóm làng cổ truyền ở đây vẫn duy trì và giữ đúng cốt cách của người Hạ Mỗ - đất Ô Diên.

Dân làng Hạ Mỗ xưa nay vẫn tự hào về con người và mảnh đất quê hương của mình qua câu cửa miệng:

Làng chúng tôi Đế vương đất cũ,

Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa.

Diên thành, Nhuệ thủy trơ trơ,

Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ.

Người Hạ Mỗ - đất Ô Diên đã tồn tại và đã từng chứng kiến các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Những mốc son ấy được lưu truyền cho đến ngày nay, nhân dân làng Hạ Mỗ vẫn tự hào về mỗi giai đoạn lịch sử đó.

2. Ô Diên thời Hai Bà Trưng

Theo “Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam” thì sau khi đánh đổ chính quyền đô hộ, Bà Trưng Trắc được suy tôn làm Quốc Vương, tức là Trưng Vương. Đóng đô ở Mê Linh”.

Đại Nam quốc sử diễn ca cũng viết:

Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.

Nhưng trong “Lĩnh Nam chích quái” [3] ghi “ thời ấy, Tô Định ở Giao Châu rất tham bạo, nhân dân rất khổ sở. Trắc thù Định giết chồng mình, bèn cùng em là Nhị dấy binh đánh Định, vây hãm Giao Châu, các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, hai chị em bèn bình định được 65 thành ở Lĩnh Ngoại (có sách ghi: Giành được của Định 56 thành ở Lĩnh Nam) tự lập làm vua, mới xưng là Trưng, đóng đô ở thành Ô Diên”.

Còn “Việt điện u linh” lại ghi khác. Trong mục “Chế thắng nhị Trưng phu nhân” [4] viết “xét sử ký: Bà chị tên là Trắc, bà em tên là Nhị nguyên họ Lạc, con gái quan Lạc tướng ở Giao Châu. Bà chị lấy ông Thi Sách, người huyện Chu Diên, có sức khỏe và rất khí khái. Thời ấy nước ta bị nhà Hán đô hộ, thứ sử Giao Châu là Tô Định sợ ông có chí khác, mới tìm cách hãm hại ông. Bà Trắc căm giận liền cùng em cất quân đánh đuổi Tô Định chiếm giữ Giao Châu, các quận Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân nghe tin đều hưởng ứng cả. Hai bà dẹp yên hơn 60 thành ở Lĩnh Ngoại, rồi tự lập làm Việt Vương đống đô ở Chu Diên và đổi họ là Trưng (năm 40 sau công nguyên)”.

Theo Ngọc phả các làng Hát Môn (Phúc Thọ), làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh), làng Cư An (huyện Mê Linh) cả ba bản thần tích đều do Hàn Lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời vua Lê Anh Tông.

Ngọc phả làng Hát Môn ghi: “ Trưng Nữ Vương lấy lại ngoài 60 thành, thu phục cõi bờ. Từ đó Nam Bang thống nhất. Trăm quan đón xa giá Trưng Nữ Vương vào thành Chu Diên, bà lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương, phong em là Phó Vương. Từ đó đất nước thanh bình. Trưng Vương lập đô tại Mê Linh ( sau là Hạ Lôi, Yên Lãng) đổi ra họ Trưng. Đặt quốc hiệu là Triệu, lấy Cổ Lai làm ấp thang mộc, sửa hành cung, phong hầu cho trăm họ chốn cỏ rậm thành triều đình…” [5]

Ngọc phả làng Hạ Lôi ghi: “…Năm Trắc Nương 19 tuổi gả về Chu Diên huyện lệnh Thi Sách”… “Trưng Nữ Vương cử binh tiến về huyện Chu Diên thuộc phủ Tam Đới. Thời gian đó Tô Định xây thành Chu Diên”… “Trưng Nữ Vương lấy lại ngoài 60 thành, thu phục bờ cõi. Từ đó Nam Bang thống nhất. Trăm quan đón xa giá Trưng Nữ Vương vào thành Chu Diên, bà lên ngôi vua và xưng là Trưng Vương, phong em là Phó Vương. Từ đó đất nước thanh bình. Trưng Vương lập đô thành tại đất Phấn Lộ, huyện Chu Diên” [6]

Ngọc phả làng Cư An (xã Tam Hồng, Mê Linh) thờ Trưng Nhị, tóm tắt có đoạn ghi: “ Trắc và Nhị là hai chị em sinh đôi con gái lạc tướng. Chị lấy huyện lệnh Ô Diên là Thi Sách. Em lập bản doanh ở trang Cự Triền (nay là Cư An) thuộc huyện Ô Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây.

…Khi đánh đuổi được quân Hán, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong em là Bình Khôi công chúa. Bà này xin lui về Cự Triền mở mang đất đai lập nên thành đô Trưng Vương dời đô về đóng ở đó” [7]

Như vậy, từ các sách sử đến Ngọc phả, thần tích đều có hiện tượng không thống nhất khi ghi “đô thành” của Hai Bà Trưng.

“ Truyện hai bà Trinh Linh phu nhân họ Trưng” trong “Lĩnh Nam chích quái” đến “Cư An xã thần tích”, Ô Diên được coi là đô thành thời Trưng Nữ Vương dẫu không đúng với sự thực được ghi trong chính sử thì đó cũng phản ánh được thực thể các tác giả đã nhầm lẫn vị trí Ô Diên trên bãi Trường Sa, những ngày đầu Hai bà mở “đại hội”, lập đàn kỳ đảo thiên địa bách thần ở đây thuở trước.

Ngày xưa, trên ngã ba sông, từ đầu nguồn sông Nhuệ qua bãi Trường sa là đã đến đầu nguồn sông Đáy ( tức sông Hát).

“Hát Môn, cứ theo tên gọi thì là “cửa sông Hát”. Nhưng thực tế ngày nay thì không là như vậy. Từ đấy tới cửa sông Hát (chỗ sông Hát tách từ sông Hồng ra) còn cách cả một xã Vân Nam, song xã này, cũng như xã Vân Phúc láng giềng  chỉ mới có từ đời Lê. Vì theo lời truyền khẩu từ xưa – được ghi lại trong khoán ước – thì khu vực hai xã này chính là một cụm gồm 6 làng: Vĩnh Phúc, Vĩnh Thọ, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Thuận và Vĩnh Lộc. Sáu làng này nguyên là trang Vân Thủy ở bên tả ngạn sông Hồng thuộc đất huyện Yên Lạc. Đời Lê, do đất bị lở nên cả trang dời sang sinh sống bên hữu ngạn, cư trú trên vùng bãi mới bồi và biệt lập thành sáu làng có gốc Vĩnh như hiện nay.

Như thế, trước thời Lê, chỗ các xã Vân Nam, Vân Phúc còn là dòng sông. Vậy Hát Môn phải ở cạnh sông Hồng và là chỗ sông Hát tách từ sông mẹ ra. “…Hát Môn vào thời đầu công nguyên tất phải là cửa sông…”. [8]

Từ Hạ Mỗ đến Vân Nam, Vân Phúc, hay Hát Môn, qua các xã Thọ Xuân, Thọ An, Trung Châu. Ba xã này mới lập trên dưới 200 năm nay.[9]

Xã Trung Châu nằm trên vùng bãi bồi bên hữu ngạn sông Hồng. Trong các làng của Trung Châu chỉ có Phương Lương Nội, Phương Lương Ngoại thuộc tổng La Thạch cũ có trước thời Nguyễn. Còn lại phần lớn các làng khác là ở địa phương xung quanh chuyển tới. [10]

Xã Thọ An nằm ở giao điểm giữa triền đê tả ngạn sông Đáy và con đê hữu ngạn sông Hồng tại phía Bắc huyện Đan Phượng. Xưa cả vùng này là bãi bồi sông Đáy, sông Nhuệ. Trải qua 5, 6 đời, lớp người đi trước đến đây khai phá bờ bãi dựng làng lập nghiệp. Đó là những người làng Thanh Khô, Thọ Lão thuộc tổng Thọ Lão bên tả ngạn sông Hồng chuyển sang khai phá đất đai, xây dựng xóm làng.

Xã Thọ Xuân ngày nay nằm trên vùng bãi bồi hữu ngạn sông Hồng xưa, đây là cửa sông Đáy. Do quá trình lắng đọng phù sa sông Hồng, vùng đất này trở nên màu mỡ. Từ các làng Thọ Lão, An Lão, Thanh Khô thuộc tổng Thọ Lão bên tả ngạn sông Hồng sang sinh cơ lập nghiệp mang theo tên làng cũ như Thọ Lão, Thanh Điềm…

Trên khu vực thành Ô Diên xưa, dân làng Hạ Mỗ, Thượng Mỗ cũng mới chuyển từ trong Đồng sang và bà con người làng Già Mét bên kia sông sang sinh sống cũng chỉ mới trên dưới 200 năm.

Như vậy, toàn bộ khu vực đất xưa nằm giữa sông Hát và sông Nhuệ, lúc đó gọi là bãi cát dài (Trường Sa) nay đã phủ kín màu xanh của xóm làng, ruộng Đồng, bờ bãi.

Phải chăng những năm đầu công nguyên, ngã ba sông ở đây đã tạo nên một điểm tụ hội lớn chính là đất Ô Diên. Và theo sự hình thành của xóm làng mới, cửa sông Hát không cách cửa sông Nhuệ là bao. Việc sử sách ghi chép cũng như truyền thuyết dân gian chỉ tập trung đến địa điểm sông Hát chứ không nhắc đến khu đất cửa sông Nhuệ để dành cho sự kiện về sau ở thế kỷ 6 chăng ?

Đất Ô Diên hay trước đó là Ô Hử mà sau này có thành Ô Diên cũng đã đóng góp vào công cuộc buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nên một số truyện, thần tích đã ghi Ô Diên cũng là đô thành của Trưng Nữ Vương.

Trên đất huyện Đan Phượng và Từ Liêm xưa, trong cuộc kháng chiến chống giặc Đông Hán dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều nghĩa quân là người địa phương, có người đã trở thành tướng lĩnh, có công lớn đã được Hai Bà Trưng trọng thưởng, trọng dụng như nữ tướng Vĩnh Gia, Quách Lãng và hai em là Đinh Bạch Nương – Đinh Tĩnh Nương ở Thượng Cát, Đại Cát, Sa Lãng ở Hạ Trì, Hải Diệu ở Cổ Ngõa, Lôi Chấn ở Tháp Thượng đều là các địa phương ở ven sông Hồng và sông Đáy [11]

Tất cả nghĩa quân do các tướng lĩnh này đều phải qua đất Hạ Mỗ, Thượng Mỗ (khu vực Ô Diên) để đến dự “Hội thề” ở Hát Môn thuở ấy. Đến nay chưa có tư liệu nào ghi chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra trên đất Ô Diên, và cũng chưa có cơ sở để khẳng định Ô Diên thành có phải là một địa điểm hội quân ngay từ đầu của cuộc khởi nghĩa. Nhưng từ địa hình, địa giới đất Ô Diên ngày ấy cùng lễ Hội hát Chèo tàu tượng [12] ở các làng xã Tân Hội huyện Đan phượng đã gợi cho người đời sau về kỷ niệm của quê hương trong đó có đất Ô Diên thành cổ những năm đầu công nguyên thời Trưng Nữ Vương. (Hết phần 2)

Xuân Việt.

[1] - Nguồn gốc của trai gái hai làng không được lấy nhau bởi tục kết chạ: Chạ anh, chạ em là một nhà, anh em trong một nhà không được lấy nhau.

[2] - “lên làng” hay “xuống làng” đó là cách xưng hô rất thân thiết của tục kết chạ ( như lên chạ, xuống chạ).

[3] - Nhà xuất bản Văn học – Hà Nội – 1990, trang 71.

[4] - Dẫn theo “Tổng tập văn học dân gian người Việt – Tập 4 – Truyền thuyết dân gian người Việt”. NXB – KHXH –  Hà Nội – 2004.

[5] - Dẫn theo “Tổng tập văn học dân gian người Việt”. Sách đã dẫn.

[6] - Theo “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội”, của Nguyễn Vinh Phúc – NXB Hà Nội - 1983.

[7] - Theo “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội”, của Nguyễn Vinh Phúc – NXB Hà Nội - 1983.

[8] - “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”. Sách đã dẫn.

[9] - Thuộc huyện Đan Phượng. Đầu thế kỷ 19, các làng thuộc ba xã này chưa có trong danh mục thuộc các làng xã huyện Đan Phượng.

[10] - Các làng ở xã Trung Châu có gốc ở làng khác như:

      + Chu Phan: Gốc ở Chu Phan huyện Mê Linh.

      + Hưu Trưng: Gốc ở Vân Nam huyện Phúc Thọ.

      + Nại Yên (Nại Sa + Yên Châu): Nại Sa gốc ở Sa Khúc huyện Mê Linh.

      + Trung Hà Làng: Gốc ở Tiến Thịnh huyện Mê Linh.

      + Trung Hà Trại: Gốc ở Tiến Thịnh huyện Mê Linh.

      + Vân Môn: Gốc ở Hát Môn huyện Phúc Thọ.

      + Phương Lương Nội, Phương Lương Ngoại có gốc ở trên Sơn Tây, sau đất lở xin chuyển về đây.

      + Vạn Vỹ: ngư dân ở làng chài.

[11] - Xem “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”. Sách đã dẫn.

[12] - Đứng trên thuyền rồng (tức là tàu) và Voi (tức là tượng). Tàu và tượng làm bằng tre gỗ, phết giấy, hát theo những làn điệu dân ca trong đó có những làn điệu riêng của địa phương. Nhân dân ở đây cho rằng ngày xưa khi đánh quân Đông Hán, Hai Bà đã kéo quân qua đây. Voi đi nườm nượp trên bộ, thuyền bè tấp nập dưới sông Nhuệ, sông Hồng… Hội hát Chèo tàu tượng là để tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ?!.