ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Điều kiện tự nhiên xã
Publish date 25/02/2021 | 16:48  | Lượt xem: 2690

1, Vị trí địa lý

Xã Hạ Mỗ hiện nay nằm ở phía Đông Bắc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp 2 xã Hồng Hà và Liên Hồng, phía Đông giáp 2 xã Liên Hà, Tân Hội và làng Trúng Đích cùng xã, phía Tây giáp 2 xã Thượng Mỗ và Trung Châu, phía Nam giáp 2 xã Thượng Mỗ và Tân Hội. So với vị trí ghi trong “Hạ Mỗ xã địa bạ” – (Gia Long thứ 4-  1805) về cơ bản không thay đổi.

Hạ Mỗ là một vùng đất cổ, nơi “Sơn cùng Thủy tận” tại châu thổ Ô Diên U xứ [1] đã có từ giai đoạn Phùng Nguyên cách ngày nay vào khoảng 3.500 năm đến 4.000 năm (Theo kết quả của khảo cổ học tại các di chỉ Bá Nội - Hồng Hà và Kim Ngọc - Tân Lập).

Hạ Mỗ ngày nay chính là đất Ô Diên thuở trước. Đó là một trong ba vùng đất từ xưa vẫn đứng nguyên vẹn, mặc cho sông Hồng đổi dòng, chuyển bãi. Dân gian có câu: “Miếu Đinh Nguyên, Ô Diên thành, ghềnh Nguyệt Lão” để chỉ về 3 địa danh đó [2].

Khi xưa chưa có đê, trại Hạ Mỗ là bờ non, bãi nổi, sông nước mênh mông trên ngã ba sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy. Nằm trên ngã ba sông lại hẻo lánh, đó là “châu thổ Ô Diên U xứ” [3].

Năm 40 đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng đã hội quân trên bãi Trường Sa (bãi cát dài) lập đàn thề tế cáo Thiên Địa trước lúc xuất quân đánh giặc Đông Hán.

Lúc bấy giờ, cửa Hàm Rồng là đầu mối chuyển nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ tấp nập trên bến dưới thuyền. Địa danh Gò Vạn là dấu tích của ngư dân thuở trước.

Truyền thuyết còn kể lại rằng: Vào đời Hùng Vương thứ 18 ở vùng Sơn Nam có người họ Trương, gia đình làm nghề đánh cá, thường làm việc thiện. Một hôm vợ chồng đi đánh cá tại con sông gần trang Hạ Mỗ tình cờ bắt được 30 thỏi vàng rồi trở nên giàu có [4].

Phía trong Đồng khi chưa có đê, nước sông chảy dềnh lên tràn vào các ô trũng trên vùng đất mấp mô nơi gò đống, nơi sình lầy thậm chí còn sâu và khúc khuỷu như ghềnh Đầm Mát [5].

Truyền thuyết kể lại rằng: xa xưa khi mùa nước lũ tràn về, dòng nước hung dữ cuốn trôi theo cả nhà cửa, đất đá từ trên ngược về. Tại khu Gò Vớt, dân ta đã lấy được cây cối, cả cối đá trong đó có một pho tượng đá. Về sau dân thấy thiêng đã xây am thờ. Đó là pho tượng đá trắng tạc người phụ nữ trong trang phục của tầng lớp trên như một công chúa trong tư thế ngồi thiền (kiểu kiết già). Nhác trông như người ngồi nhìn gan bàn chân nên các cụ gọi là “Bà Nhỉa Gai”, và từ đó khu đất này có tên là khu (hay xứ) Bà Nhỉa Gai.

Hạ Mỗ cùng các xã của huyện Đan Phượng nói riêng, tỉnh Hà Tây trước đây nói chung nằm ở rìa phía tây Đồng bằng Bắc Bộ, bên hữu ngạn sông Hồng (xưa gọi là sông Cái hay Đại Hà) có độ nghiêng dốc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và Tây Nam - Đông Bắc.

Qua quá trình lao động, cải biến, chinh phục thiên nhiên, nhân dân ta đã kề vai sát cánh cùng nhau cải tạo, san lấp và xây dựng nên những cánh Đồng bằng phẳng mầu mỡ như ngày nay.

Tuy nhiên, qua chuyển hóa tự nhiên cũng như quá trình cải tạo san lấp không Đồng đều, các cánh Đồng vẫn còn nhiều thang bậc khác nhau. Vùng đất thuộc châu thổ Ô Diên vẫn là nơi cao nhất trong khu vực với cốt đất 13,8 m ( độ cao so với mặt nước biển là 13,8 m) [6].

Theo Từ điển Bách khoa đất nước và con người Việt Nam (Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa – 2011), huyện Đan Phượng - địa hình Đồng bằng châu thổ cao trung bình từ 6 đến 8 m.

Đứng trên địa thế cao đất đai Hạ Mỗ có điều kiện thuận lợi trong việc chống lũ lụt, nhất là tiêu úng nhanh. Nhưng ngược lại, nó cũng đã phải chịu đựng hậu quả trong những năm hạn hán kéo dài. Khi xưa thủy lợi chưa phát triển, nhiều cánh Đồng chỉ cấy được 1 vụ. Và ngay trên mảnh đất ấy nhiều phen đã phải bỏ trắng hoàn toàn. Các cụ đã đặt tên cho nó là khu Cháy Điền (Cháy Điền xứ), sau này nói chạnh là Trái Điền hay Cháy Đèn [7].

Những địa danh ngày nay còn lại đã minh chứng cho thế núi, hình sông của quê ta thuở trước. Văn Hiến đường bi ký mở đầu có đoạn: “Núi ở phía Đông (thành) Ô Diên, phía Nam (miếu) Hàm Rồng, bao quanh phía Tây Bắc làng là núi Kim Tinh vậy”. Khu Mả Từa (Hạ Mỗ xã địa bạ ghi là Mả Từ xứ) là khu Đồi giáp châu thổ Ô Diên kéo dài tới tận núi Kim Sơn nằm trên đất đền Văn Hiến ngày nay.  Các cụ bảo “ lù lù như mả ông Từa - tức Từ Đạo Hạnh [8]- là vì vậy”.

Nếu phía Tây Bắc có Mả Từa (hay Mả Từ), phía Tây Nam có xứ Cháy Điền (hay Cháy Đèn), cao bao nhiêu thì ở phía Đông Bắc có xứ Buộm. Hạ Mỗ xã địa bạ ghi là Phàm xứ. Phàm chữ Hán nghĩa là Buồm (cột buồm trên thuyền) dân ta đọc chạnh là Buộm. Ngoài ra ở phía Đông Bắc Đồng làng còn có xứ Bán Lòng (nửa lòng sông) vì giáp phía làng Bá nên dân ta gọi là khu Bá Lòng. Đặc biệt là khu Mả Đọ, đọc chạnh từ Độ (độ là bến đò), ghềnh Đầm Mát là khu đất sâu trũng hơn cả.

2, Về địa chất, thổ nhưỡng

Đất Hạ Mỗ được hình thành và bồi đắp do quá trình bồi tụ phù sa của sông Hồng, sông Nhuệ do đó dù ở độ cao hay thấp đều phì nhiêu, mầu mỡ, cấy lúa, trồng màu đâu đâu cũng thuận.

Là một trong những làng có diện tích lớn nhất của huyện Từ Liêm (theo Nông thôn Việt Nam trong lịch sử - tập 1 - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội – 1977), ghi trong “Hạ Mỗ xã địa bạ - 1805” là 1.370 mẫu, 6 sào, 13 thước.  Trong số đó ruộng tư điền có 801 mẫu, 3 sào, 12 thước (chiếm 58% tổng diện tích) được chia làm 3 loại đất. Ruộng loại 1 (nhất đẳng điền) 80 mẫu, chiếm tỷ lệ 10%; ruộng loại 2 (nhị đẳng điền) 162 mẫu, chiếm tỷ lệ 20% và ruộng loại 3 (tam đẳng điền) có 560 mẫu, chiếm tỉ lệ 70%.

Về sau, trong quá trình cải tạo đất thâm canh mùa vụ, người Hạ Mỗ đã sớm kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Kỹ thuật làm phân bón đã phát triển đến trình độ cao. Phân chuồng, phân xanh đều được đánh giá vào loại tốt trong vùng. Đặc biệt việc sử dụng lá Xoan dầm ruộng vụ mùa đã cho năng suất cao và giữ được độ phì nhiêu cho đất được lâu dài. Chất đất cũng từ đó ngày càng tăng độ phì nhiêu một cách bền vững.

Vào những năm cuối thế kỷ XX,  cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thủy lợi hóa, người Hạ Mỗ đã vận dụng sáng tạo trong việc thay đổi giống cây trồng, Đồng thời đẩy mạnh tăng năng suất, sản xuất lúa màu ngày một tăng lên cả về năng suất và sản lượng.

Năm 1965 năng suất lúa của Hạ Mỗ đạt 50 tạ/ha, năm 1967 đã tăng lên 67 tạ/ha góp phần cùng cả huyện Đan Phượng trở thành quê hương 5 tấn.Trên đà tăng trưởng, năng suất lúa ở Hạ Mỗ không ngừng nâng cao năm 1970 đạt 76 tạ/ha thì đến năm 1995 đạt 110 tạ/ha và đến năm 2011 đã đạt 133 tạ/ha.

Nhìn chung đất đai Hạ Mỗ vốn được thiên nhiên ưu đãi, lại được con người cần cù lao động tiếp thu và vận dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp một cách sáng tạo đã làm cho đất đai ngày thêm màu mỡ.

3, Về khí hậu

Khí hậu ở Hạ Mỗ cùng mang nét đặc trưng của khí hậu Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy gọi là 4 mùa xuân, hạ, thu, đông song thực ra chỉ có hai mùa rõ rệt là:

- Mùa mưa (ướt, ẩm từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch),

- Mùa khô ráo (khô, hanh, mát mẻ từ tháng Một đến tháng 4 năm sau).

Đây là tính chất chung, nhưng nhiều khi thời tiết thay đổi, mưa bão, nắng hạn thất thường. Nhất là những năm gần đây khí hậu trên trái đất thay đổi, thời tiết diễn biến cực đoan gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống con người

4, Về thủy văn

Hạ Mỗ là đất thuộc châu thổ Ô Diên nằm ở ngã ba Hát thuộc hệ thống sông Hồng, đó là sông Hồng, sông Nhuệ (còn gọi là sông Từ Liêm) và sông Đáy (còn gọi là sông Hát).

Nằm dưới ngã ba Hạc, vùng Tam giang, nơi gặp gỡ của ba con sông lớn sông Thao, sông Đà và sông Lô. Do đó những mùa lũ lớn, nước lên cao uy hiếp đến đời sống nhân dân vùng hạ lưu. Từ xưa nhân dân ta đã đắp đê để phòng chống lũ lụt.

Đê Quai Vạc [9] dân ta gọi là đê dưới được đắp từ thời Lý, Trần. Và từ khi có đê Quai Vạc, nhánh nước từ sông Hồng chảy vào Sông Nhuệ bị chặn lại, sông Nhuệ trở thành dòng sông chết.

Trong bài “Địa phương sử kí tổng hòa”  - “ Khai thiên lập địa” ( hội hát Chèo Tàu Tượng xã Tân Hội) có đoạn:

“Nhuệ giang ba nhánh chung dòng,

Bắt đầu từ quãng Hàm Rồng lưu nguyên.

Những thuyền quế từ trên mạn ngược,

Theo sông Hồng chảy miết về đây.

Bến bè ở trước đình này,

Bến Vôi, bến Muối ở ngay miếu đài.

Thương nhân ở xóm Lai xóm Hống,

Phu phen thì ngoài cổng Quần thần.

Đến đời vua Lý Nhân Tông,

Đắp đê Hoàng triệt [10] ngăn dòng lũ sa…

Cửa Hàm Rồng thông ra sông Nhị,

Được tôn cao trị thủy, ngăn dòng.

Lòng sông Nhuệ trước mênh mông,

Đến nay nhận nước trong Đồng bao tiêu...” [11]

Hàng năm đến mùa nước lũ (từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch) làng có điếm canh đê, có tuần phiên, trưởng điếm bảo vệ để đề phòng khi có sự cố xảy ra.

Từ năm 1937, đê Tiểu bối, nhân dân ta gọi là đê trên được đắp. Đất bãi Hạ Mỗ cùng các bãi trong khu vực tả Hồng, hữu Đáy trở thành đất phù sa thành thổ cấy lúa, trồng màu đều dễ dàng.

Việc lấy nước trong vụ chiêm từ sông Hồng vào Đồng được lấy nước chảy tự nhiên qua cống Tròn ở Bá Dương. Đây là một công trình thủy lợi, theo “Khảo cứu lịch sử địa lý tỉnh Hà Đông” – (Tài liệu lưu trữ của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hà Tây) cho biết “năm 1899 và 1900 sở Công chính thực hiện một chương trình dẫn thủy nhập điền trong địa hạt tỉnh Hà Đông, giúp cho những chủ có ruộng đất cao cấy được 2 vụ một năm. Với mục đích ấy, một lầu nước (thủy tháp) được xây dựng ở Bazan [12] và đào một con sông dài 12 km”.

Trên đoạn sông đào qua địa phận Hạ Mỗ, tất cả các ngôi mộ “vô thừa nhận” được Hội Tập linh đưa về chôn cất xung quanh miếu Âm Hồn và được thờ cúng cùng các vong linh người tử trận trong chiến tranh cũng như những người tha phương cầu thực bị chết qua làng trước đây. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Hạ Mỗ.

Hiện nay Cống Tròn đã bị lấp bỏ, việc lấy nước từ sông Hồng vào Đồng ruộng trong đó có Hạ Mỗ bằng hệ thống trạm bơm Hồng Hà - Tiên Tân và trạm bơm Đan Hoài rất thuận lợi đảm bảo nước tưới quanh năm cho cây trồng phát triển.

Bây giờ từ miền Đồng đến miền bãi, từ đất phù sa vị thành thổ, thậm chí cả đất bạch sa (cát trắng) [13] ở bên trại khi chưa có đê, cả đất Đồng sâu pha sét, từ đất bạc màu, đất loại 3 (tam đẳng điền) như khu vực Đồng Trước, Cổ Ngựa, Cháy Điền… đâu đâu cũng cấy được hai vụ, đất màu cũng luôn được trồng xen canh gối vụ từ 2 vụ rồi đến 3 vụ quanh năm.

Mùa màng bội thu, đời sống nhân dân no đủ, không còn cảnh lam lũ, bần hàn khi xưa. Dân làng đã có lời ca nêu lên sự thay da đổi thịt đó:

Cháy Điền gọi tự bao giờ,

Mà nay trông lúa cứ ngờ trong mơ.

Quê ta lam lũ từ xưa,

Tháng năm khát nước, Đồng khô trắng bờ.

Thỏa lòng mong ước đợi chờ,

Nông giang phát triển, Đồng khô chẳng còn.

Dọc ngang mương lớn, mương con,

Chiêm mùa đâu cũng xanh rờn tốt tươi.

Ngô khoai đông biếc rợp trời,

Cháy Điền chẳng thấy, thấy đời ấm no 

[1] - Câu đối miếu Hàm Rồng ghi:

“Ức tải hạt cùng, thánh tích trường lưu Văn Điến địa.

Thiên thu bất hủ, linh đô vĩnh cứ  Vạn Xuân thiên”.

(Vạn vạn năm ở địa hạt cuối này, tích thánh để lại lâu dài trên đất Văn Hiến.

Hàng nghìn năm sau vẫn như chẳng cũ, đô thành thiêng liêng còn mãi dưới trời Vạn Xuân.)

[2] - Đinh Nguyên thuộc đất Thanh Khô, tổng Thọ Lão, huyện Yên Lạc, Phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây (nay thuộc thôn Thanh Điềm, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, tp Hà Nội). Miếu Đinh Nguyên hiện nay ở thôn Tây Sơn, xã Thọ An, huyện Đan Phượng là do nhân dân làng Thanh Khô bên tả ngạn sông Hồng sang định cư trên bãi sông lập nên sau này. Nguyệt Lão thuộc đất thôn Bá Dương Thị, xã Hồng Hà .

[3] - Hạ Mỗ xã Địa bạ (Gia Long thứ 4(1805)ghi: “Bản xã châu thổ Ô Diên, U xứ giáp Thượng Mỗ xã châu thổ”

      U xứ là khu đất nằm giữa cụm dân cư số 1 và cụm dân cư số 2 bây giờ. Lúc đó còn đất phù sa, bạch sa (cát trắng) xen lẫn đất vườn, hồ, ao…

      U chữ Hán nghĩa là ẩn núp, sâu xa. Phàm cái gì giấu một chỗ kín không cho ai biết gọi là U (như u cư: ở núp, u trì: giam chỗ kín). Xứ U xưa kia là khu vực sâu kín.

[4] - Thần tích, thần sắc làng Thanh Điềm, tổng Thọ Lão, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Nguồn Viện Thông tin KHXH. Hà Nội.1995.Ký hiệu FQ4018/II,29.(bản chữ Hán. trang 296)

      Miếu Đinh Nguyên. Nguồn Đan Phượng di tích lịch sử văn hóa và cách mạng.NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.2011. trang 284).

[5] - Từ khi chưa có đê, nước sông Cái (sông Hồng) chảy tràn qua khu vực này nên có ghềnh.

Ghềnh: chỗ dòng sông có đá lởm chởm nằm chắn ngang, làm nước dồn lại, chảy xiết (lên thác, xuống ghềnh) “Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh, Cù lao bỏ bể thì anh quên nàng” (ca dao).

[6] - Trong trận vỡ đê Liên Mạc (Ất Mão – 1915) nước sông Hồng chảy tràn ngập khắp nơi, nhưng chỉ mấp mé ruộng đồng phía Đông Nam của làng. Vụ vỡ đê trước kia gọi là vụ tràn Quý Tỵ (làm thành vực Thón) nước cũng không thể dồn qua đất Hạ Mỗ. Theo “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” của Pierre Gourou - Viện khoa học lịch sử Việt Nam. Viện Viễn đông Bác cổ Pháp. NXB. Trẻ. 2003, “Vỡ đê Liên Mạc (tổng Hạ Trì, phủ Hoài Đức, Hà Đông) bị vỡ đã đổ một khối lượng nước hết sức lớn ước tính 6.400 m3/s. Tổng số nước ùa vào vùng này được ước tính là 40 tỷ m3. Có 103.000 ha /107.000 ha bị ngập nước ở phía Nam vùng này, nước lên tới độ cao 6 m.

Bài ca vỡ đê Liên Mạc còn ghi:

“Giời làm một trận tràn hòa,

Vỡ đường Liên Mạc thật là khổ thay.

Vỡ đường Liên Mạc ngày này,

Cửa nhà trôi hết, người nay hãi hùng.

Kìa như mồ mả ngoài đồng,

Đình chùa miếu mạo theo dòng nước xuôi.

Nào là gà lợn chết trôi,

Ai mà chẳng khổ giời ơi là giời”.

[7] - Văn Hiến đường bi ký ghi “Cháy Điền xứ”, Hạ Mỗ xã địa bạ ghi “Cháy Đèn xứ”, Phả ký đền Tri Chỉ thì còn ghi là “Trái Điền”.

[8] - Ông Từa, tức Từ Đạo Hạnh, vị Thiền Sư tu ở chùa Thầy (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) hội chùa Thầy hàng năm tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch. Trong dịp này thường xuất hiện mưa gió tạt qua làng ta, các cụ bảo đấy là cụ Từa về quét chùa (gió) hay rửa chùa (mưa).

[9] - Còn có tên gọi là đê Đỉnh Nhĩ. Chữ Hán Đỉnh Nhĩ  nghĩa là Quai Vạc. Xem thần tích, thần sắc làng Thuận Thượng, tổng Đan Phượng, huyện Đan Phượng tỉnh Hà Đông. - Số TTTS FQ4018/II,6. Nguồn Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1995.

[10] - Hoàng nghĩa là kíp, gấp;  Triệt nghĩa là bỏ đi, trừ đi. Ở đây ám chỉ việc đắp đê ngăn lũ một cách gấp gáp.

[11] - Từ khi có đê Quai Vạc, sông Nhuệ chỉ còn là dòng sông chết. Bởi các ô nước đứt quãng và chỉ còn chức năng tiêu úng cho các khu vực xung quanh thượng nguồn. Và cũng vì vậy có người lầm tưởng sông Nhuệ phát nguyên từ làng Đăm hoặc từ Cống Chèm. Trong “Từ điển tiếng Việt” - NXB Đà Nẵng, trung tâm từ điển học. Trong mục “phát nguyên” trang 203 ghi: “sông Nhệ Giang phát nguyên từ làng Tây Đàm, huyện Từ Liêm qua huyện Thanh Oai, Thanh Trì phía Nam hợp lưu với sông Tô Lịch …”. Tây Đàm tức làng Đăm, trong “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy…”.  Thực ra khu vực Đầm Đăm chỉ là một ô trũng trên đoạn sông Nhuệ cổ. Người địa phương gọi là sông Pheo (trước đó gọi là đầm Pheo). Từ Pheo là từ đọc chệch từ chữ Phiêu, Phiêu chữ Hán nghĩa là bong bóng cá. Đầm Đăm, mặt nước nối liền hai ô nước một to, một nhỏ trông giống hình bong bóng cá. Lại cũng có người cho là sông Nhuệ phát nguyên từ Cống Chèm, xã Thụy Phương. Nhưng thực tế nguồn nước sông Hồng chảy vào qua Cống Chèm rồi đổ tiếp vào sông Nhuệ hiện nay là do từ thời gian vỡ đê Liên Mạc, người ta đào con sông đào làm công trình dẫn thủy nhập điền.

[12] - Bazan là tên Bá Dương mà người Pháp viết. Và cũng từ đó Bá Dương còn gọi là Bá Giang. (Xem Kể chuyện tên làng Việt – NXB Văn hóa dân tộc – Hà Nội – 2010 – trang 128).

[13] - Theo Hạ Mỗ xã địa bạ - Gia Long tứ niên (Ất Tỵ - 1805).

Xuân Việt.