DI TÍCH - DANH THẮNG DI TÍCH - DANH THẮNG

Chùa Hải Giác
Publish date 01/02/2021 | 11:07  | Lượt xem: 1735

Chùa Hải Giác hiện nay còn khá nguyên vẹn, là một ngôi chùa lớn Đồ sộ trong vùng. Theo truyền thuyết, chùa Hải Giác ra đời từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ có địa vị trung tâm của đất nước, kinh đô một thủơ của nhà nước Vạn Xuân. Hải Giác danh lam thiên cổ tích. Diên thành vượng khí vạn niên xuân.  (Chùa Hải Giác danh lam dấu xưa từ thiên cổ. Ô Diên thành khí vượng muôn đời xuân.)

 

Theo bài văn ghi trên “ Trụ kí tự” có niên hiệu Vĩnh Hựu nguyên niên ( 1735) thì chùa Hải Giác là một danh lam cổ tích nổi tiếng lúc bấy giờ.

Chùa Hải Giác được xây dựng trên khu đất bằng phẳng ở dìa làng bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ. Các kiến trúc bộ phận được bố trí chiều sâu theo trục chính là đông – tây. Phía trước là Tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song. Cuối cùng là tòa Đại đường. Bao quanh khu kiến trúc là giếng nước dựng lầu Quan Âm, vườn Tháp, vườn cây xanh rộng lớn để tạo ra không gian thanh u tĩnh mịch cho cửa Thiền, đem lại sự hài hòa giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo cho di tích những vẻ đẹp độc đáo gần gũi với cuộc sống con người.

Đặc biệt ở hai bên Hậu đường, mỗi bên có một cửa ra vào, nhân dân địa phương gọi là cửa thoát tục.

Khu chùa chính của chùa Hải Giác vẫn bảo lưu được quy hoạch trên mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa thời Lê là Tiền đường, Thượng điện cùng những dãy Hành lang bao quanh.

Các pho tượng tròn được phân bố đậm đặc trong khu chùa chính và ba dãy Hành lang bao quanh. Về số lượng, chùa Hải Giác là một trong những chùa có nhiều tượng nhất ở nước ta hiện nay. Chùa Hải Giác hiện nay còn lưu giữ được hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Ở hai dãy Hành lang song song với Thượng điện được dùng làm nơi tọa lạc của 18 vị La Hán.

Nhà Hậu đường trong cùng được dùng làm Mặt động và dựng 25 tấm bia hậu để biểu dương những người công đức. Trong đó có 5 bức tượng phù điêu của thời Lê.

(Hệ thống tượng chùa Hải Giác - Di tích cấp Quốc gia)

Mặt động của chùa Hải Giác được thể hiện hai tầng đối nghịch nhau, được bố trí hợp lý thành những tiểu cảnh mang ý nghĩa giáo dục đối với con người.

Có thể nói, Phật điện chùa Hải Giác là một bông hoa đẹp, vườn hoa nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, chùa Hải Giác còn có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tấm gương chiến đấu hy sinh của nhà sư yêu nước Thanh Trang đã góp phần làm giàu thêm truyền thống yêu nước của Phật tử và nhân dân địa phương và rạng danh ngôi chùa Hải Giác.

Cũng tại chùa Hải Giác, mùa thu năm Đinh Mùi ( 1907) các nhà Nho và dân làng tổ chức Lễ “ Đồng giáng bút” để công bố các sáng tác thơ văn, hợp thành bộ “Cổ kim truyền lục” được ấn tống tại đền Văn Hiến.

 “Chùa Hải Giác là một di tích kiến trúc nghệ thuật quý của Thủ đô và cả nước. Đó cũng là vốn cổ quý giá, là cơ sở cho lòng tự hào của nhân dân địa phương về tài năng lao động sáng tạo của tổ tiên.” 

Tháng 10/1991, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng chùa Hải Giác là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.