TIN NỔI BẬT TIN NỔI BẬT

Lịch sử Văn hoá truyền thống làng Hạ Mỗ. Phần 4
Publish date 16/03/2021 | 15:51  | Lượt xem: 624

Ảnh: 3 trong 4 bia Khoa tràng hiện đang được bảo tồn tại đền Văn Hiến

6. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám (1945)

Hạ Mỗ là xã địa đầu cực Tây Bắc huyện Từ Liêm xưa[1], giáp huyện Đan Phượng và sông Hồng. Chẳng những cách xa phủ lị, đường sá đi lại khó khăn mà còn là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện, những biến động khiến giai cấp thống trị phải bận tâm, e ngại, dè chừng.

Từ sau cuộc mưu đánh Hà Nội (năm 1898) không thành, Hữu quân chánh tướng Thích Thanh Trang bị sát hại, chính quyền thực dân ra sức truy lùng nhưng cơ sở Hội Thượng Chí không bị vỡ. Lễ tế cờ (năm 1907) do Đốc Viên tổ chức bại lộ nhưng bọn thống trị cũng không truy tầm được manh mối. Cuộc đấu tranh đòi tri phủ Hoài Đức trả lại bộ mộc bản sách Cổ kim truyền lục (năm 1930) thắng lợi càng làm cho hàng ngũ quan lại dao động, hoang mang. Đặc biệt, vụ bắt tướng “Năm Chữ” [2], giặc Pháp lồng lộn lùng sục truy tìm, truy hỏi nhưng không sao tìm được chứng cứ để bắt tội được dân làng. Ngay sau ngày sát hại sư cụ Thanh Trang, thực dân Pháp và tay sai hèn hạ trả thù vô cớ, bắt Tổng Pháp đi đày phát vãng ở Yên Bái với tội danh “không làm tròn chức trách” [3]. Chúng đã phải kinh ngạc thốt lên: “lý dịch thì bất lực, dân thì bất trị”, đúng là “Từ Liêm ngũ Hạ bất khả giao!” [4]

Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, bộ máy cai trị được duy trì nguyên vẹn theo mẫu cũ, nhất là ở nông thôn nhằm sử dụng bộ máy kỳ hào phong kiến để thu thuế, bắt phu, bắt lính, đàn áp nhân dân cũng như lợi dụng những phong tục tập quán lỗi thời, lạc hậu, kìm hãm nông dân trong vòng u tối để dễ bề thống trị. Thực dân Pháp ngày càng tăng cường bộ máy hương chức làng xã, từ chánh phó tổng, lý phó trưởng, chánh phó hộ lại, chưởng bạ, trương tuần…

Ở Hạ Mỗ, bộ máy chính quyền được dân làng cử ra hoạt động mang tính hai mặt. Bọn thống trị không thể ngờ rằng “tay sai” của chúng lại luôn thông Đồng với hoạt động của dân chúng ở đây.

Giữa năm 1937, được tin chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang thăm Việt Nam, điều tra tình hình, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời phát động phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đông Dương đại hội để phản ánh nguyện vọng của nhân dân Đông Dương với phái đoàn của chính phủ Pháp, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và cải thiện đời sống.

Từ cuối năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Trên thực tế, Đông Dương đã bị đặt dưới hai ách thống trị của Pháp, Nhật [5]. Sự cấu kết giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật đem đến cho nhân dân ta tai họa không thể kể xiết. Thực dân Pháp và phát xít Nhật cố sức nặn ra những lực lượng chính trị và đảng phái phản động tay sai để làm chỗ dựa và nhất là để chống lại phong trào cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Giữa lúc các tổ chức của Mặt trận Việt Minh đang nhen nhóm và phát triển thì bọn tay sai Pháp - Nhật cũng thành lập các tổ chức phản động như: “Thanh niên ái quốc”, “Thanh niên Phan Anh” [6] … ở nhiều nơi. Song, ở Hạ Mỗ tuyệt nhiên không có chỗ đứng chân cho các tổ chức phản động này hoạt động. Hạ Mỗ vẫn giữ được sự bình thản của một làng quê cổ truyền khép kín.

Thực hiện chính sách ngu dân, thực dân Pháp hạn chế đến mức tối đa việc phát triển giáo dục, giam hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt khiến tuyệt đại đa số trẻ em Việt Nam thất học, hầu hết nhân dân Việt Nam mù chữ, nhất là phụ nữ.

Để tự cứu lấy mình, theo gương lớp người đi trước, nhiều gia đình đã mở lớp tại nhà, đón thầy về dạy cho con em mình. Ngoài các thầy Đồ trong làng, còn có các thầy Đồ nơi khác được mời đến dạy. Có lớp học chữ Nho, có lớp học cả chữ Nho, cả chữ Quốc ngữ. Có lớp học sắp sáng, có lớp học sắp trưa nhưng chủ yếu là học chữ Nho.

Năm 1942, làng mở trường hương học, đón hương sư về dạy [7]. Làng trích tiền công quỹ trả lương thầy giáo. Số học sinh theo học rất đông, thầy giáo phải chia ra nhiều trình độ để giảng dạy. Năm 1943, sau khi làm lại đình Vạn Xuân, Hạ Mỗ xây nhà trường (E’cole Hạ Mỗ) ngay cạnh đình Vạn Xuân, có cả phòng học và phòng giáo viên.

Thiên tai, dịch hại cùng sự bóc lột của nhà nước thực dân khiến nhân dân ta đói rách, lầm than, đặc biệt, từ khi phát xít Nhật vào chiếm Đông Dương. Đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã diễn ra, nông dân các tỉnh Thái Bình, Nam Định ùn ùn kéo lên Hà Nội, Hà Đông ăn xin đầy đường. “Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm 1945, hai triệu Đồng bào ta đã chết đói thê thảm” [8].

Nhờ sự tích góp, tích trữ từ các vụ trước, các phường thóc gạo giúp đỡ nhau phát huy tác dụng, hầu hết các nhà ít nhiều đều có lương thực dự trữ. Do đó, tuy cuộc sống kham khổ, thậm chí có nhà phải đứt bữa, rau cháo qua ngày nhưng người Hạ Mỗ đã vượt qua nạn đói và đại dịch tả đầu năm 1945.

Từ sau năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, các cuộc kháng chiến của nhân dân ta khắp từ Bắc chí Nam liên tiếp nổ ra. Nhất là từ năm 1883, Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam, triều Nguyễn hoàn toàn đầu hàng, bán nước, nhân dân ta phải sống dưới ách xâm lược. Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Xã hội Việt Nam là xã hội thực dân nửa phong kiến.

Ảnh hưởng của phong trào Cần Vương (1885 - 1898) [9], nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1885 - 1913) do Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) lãnh đạo đã có tác động trực tiếp đến tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc ở Hạ Mỗ.

Tại xóm Trại [10], cuộc tế cờ khởi nghĩa chống Pháp do Đốc Viên [11] tổ chức tuy thất bại nhưng tinh thần yêu nước đã được thức dậy. Lời chào cờ mãi còn vang vọng:

Anh em ơi! Kìa sao mai đã mọc

Trống bên trường đã điểm canh hai.

Anh em sao cứ ngủ hoài,

Chẳng thương đến giống, đến nòi là chi.

Mau thức dậy để đi cho sớm,

Dắt giống nòi đến bến vinh quang!...

Đặc biệt, từ sau vụ thảm sát nhà yêu nước - sư cụ Thanh Trang và được ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (từ tháng 2 đến tháng 12, năm 1907), trực tiếp là phân hiệu trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở đền Giảng Thiện, làng Thúy Hội [12], sau những lần nghe diễn thuyết, bình văn, ngâm thơ, đọc báo của các diễn giả, các nhà nho và nhân dân Hạ Mỗ, những người ưu thời mẫn thế đã tự tìm lấy con đường giải thoát để tuyên truyền, vận động phong trào yêu nước.

Các tác giả đã khôn khéo mượn lời Phật, Tiên, Thánh, Thần qua lễ “Đồng giáng bút” tại chùa Hải Giác để công bố các sáng tác thơ văn yêu nước của mình. Ròng rã ba tháng thu đông năm Đinh Mùi (19/9 - 19/12/1907), lễ “Đồng giáng bút” mới kết thúc.

Các sáng tác được sưu tập và ấn loát thành bộ Cổ kim truyền lục bằng chữ Hán [13] tại đền Văn Hiến. Đến tháng 8, năm Canh Tuất (9/1910) thì in xong và phát hành rộng rãi để “sách đến mọi nơi tuyên truyền khắp chốn” (thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ) như việc ấn tống kinh Phật. Để che mắt địch, các cụ đều nói: Cổ kim truyền lục là bộ kinh “tụng kinh độc lập, ở chùa duy tân” [14].

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Các tài  liệu tuyên truyền của Đảng, nhất là Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể nhân dân Việt Nam nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập được in ra và phân phát nhiều nơi.

Quá trình truyền bá tư tưởng cách mạng của Đảng vào Hạ Mỗ được tiến hành thông qua các con đường khác nhau, có cả sự truyền bá từ ngoài vào và cả sự giác ngộ, tự tìm đến cách mạng của những người con quê hương vốn có tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Năm 1942, Đồng chí Tư Mỗ [15] - cán bộ Việt Minh đã về Hạ Mỗ tuyên truyền cách mạng. Những năm 1943 - 1944, Hạ Mỗ có anh Nguyễn Quý Cương làm việc trong quân đội Pháp. Anh cũng thấy được ảnh hưởng to lớn của Mặt trận Việt Minh, biết Việt Minh đang tập hợp lực lượng toàn dân đứng lên đánh đuổi Pháp, Nhật, giành độc lập cho nước nhà. Anh ủng hộ và đi theo Việt Minh. Cũng trong thời gian này, anh Nguyễn Thế Mai làm công nhân nhà máy Trường Thi [16] - nơi có phong trào công nhân phát triển. Anh đã sớm biết đến, tham gia vào phong trào công nhân ở đây và từng bị địch bắt giam. Cũng từ đó, anh tìm hiểu lí tưởng cách mạng, tìm cách truyền bá về quê hương để giác ngộ cho bà con quê nhà.

Thời gian này, ở Hạ Mỗ, phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Tháng 6/1945, các Đồng chí Nguyễn Quý Cương và Nguyễn Thế Mai đã giới thiệu với Đồng chí Việt Dân - cán bộ Việt Minh huyện để các Đồng chí Lê Thao, Lê Hữu Tục, Nguyễn Khắc Phảng vào Mặt trận Việt Minh. Sau đó, những thanh niên tiến bộ như: Nguyễn Duy Thái, Nguyễn Quang Phồn đã được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Năm 1945, nhận định thời cơ và tình thế khởi nghĩa giành chính quyền sắp tới, bằng nhiều hoạt động khác nhau, được sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, ở Hạ Mỗ, các Đồng chí đã ra sức đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm khơi dậy, thức tỉnh niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kêu gọi nhân dân chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Từ ngày 13 - 15/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong  cả nước.

Thông tin về khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi, khí thế cách mạng sôi sục khắp xóm làng. Ngày 19/8, nhân dân Hà Nội tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Một số thanh niên và những người Hạ Mỗ làm việc ở Hà Nội đã hăng hái tham gia dự mít tinh. Các anh cũng tranh thủ lấy truyền đơn đem về tuyên truyền cho bà con trong làng. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội lại một lần nữa thôi thúc tinh thần đấu tranh trong mỗi người dân Hạ Mỗ.

Sáng ngày 19/8, đoàn biểu tình thị uy của nhân dân Gối Thượng đi qua Hạ Mỗ. Thanh niên Hạ Mỗ cũng tập hợp đội ngũ, gia nhập đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình tiếp tục đi từ đình Vạn Xuân ra Tiên Tân (ngã ba Chống Cối), qua Phương Lương, xuống Phù Trung, sang Thượng Mỗ, rồi lại quay về đình Vạn Xuân. Đi đến đâu, đoàn biểu tình khuấy động tinh thần cách mạng đến đó. Khi giải tán, các anh tỏa vào từng gia đình chuyện trò, nhắc nhở mọi người chuẩn bị cờ, biểu ngữ, dao kiếm, gậy gộc để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở xã mình. Các anh Mai, Hòa, Phục xuống Gối Thượng và lên huyện tìm cán bộ Việt Minh xin chủ trương, kế hoạch giành chính quyền ở Hạ Mỗ. Sau khi họp ở Điếm Vuông (cạnh đình Vạn Xuân) [17], bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa, phân công công việc cho từng người, cán bộ Việt Minh cùng với một số thanh niên triển khai kế hoạch tổ chức mít tinh.

Ngày 20/8/1945, trong không khí sôi nổi, khẩn trương của những ngày tổng khởi nghĩa, cuộc mít tinh của nhân dân Hạ Mỗ diễn ra tại sân đình Vạn Xuân. Nhân dân ai ai cũng đem theo cờ, dự mít tinh trong ngày lịch sử này. Cổng chào được kết bằng lá dừa quấn giấy đỏ. Biểu ngữ ghi những khẩu hiệu như: “Cách mạng thành công muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!”. Tại đây, cán bộ Việt Minh đã nói chuyện với nhân dân về ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội và tuyên bố giải tán chính quyền phong kiến, xóa bỏ vĩnh viễn chế độ cũ, thiết lập chính quyền cách mạng. Chánh tổng Nguyễn Khắc Thanh, lý trưởng Nguyễn Đình Lẫm[18] ra nhận chỉ thị về việc trao trả chính quyền cho nhân dân, giao nộp triện bạ, các loại sổ sách, giấy tờ. Tất cả đều được bỏ đốt trong niềm hân hoan của nhân dân. Thay mặt Ban tổ chức, anh Nguyễn Khắc Hòa (tức đội Hòa) đọc Lời kêu gọi của Ủy ban quân sự cách mạng. Đáp lại lời kêu gọi đó, mọi người Đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”.

Lời kêu gọi của Ủy ban quân sự cách mạng đã có tác dụng mạnh mẽ đối với tinh thần cách mạng của nhân dân. Tại buổi lễ, Ủy ban cách mạng lâm thời xã Hạ Mỗ được thành lập và ra mắt nhân dân, ông Nguyễn Thế Mai được cử làm Chủ tịch, ông Nguyễn Thế Phục được cử làm Phó Chủ tịch [19].

Ủy ban cách mạng lâm thời chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương trước khi bầu ra Ủy ban hành chính xã. Khởi nghĩa thành công, xã thành lập Ủy ban bảo vệ do ông Bếp Tơ phụ trách để thi hành những mệnh lệnh và chỉ thị của cấp trên về bảo vệ chính quyền.

Sau khi thành lập chính quyền cách mạng, các đoàn thể cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… lần lượt được thành lập. Ban Chấp hành các đoàn thể được bầu để tham gia các công việc với chính quyền cách mạng. Chị Nguyễn Thị Nhỡ trở thành Bí thư đầu tiên của Hội Phụ nữ cứu quốc. Thanh niên cứu quốc do anh Lê Hữu Tục (tức Lê Kham, giáo Tục) làm Bí thư. Anh Nguyễn Thế Khánh phụ trách Đội Thiếu niên nhi Đồng cứu vong.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền của nhân dân được thành lập là một bước phát triển vượt bậc về chất trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương. Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hạ Mỗ đạt được thắng lợi là nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, trào lưu cách mạng của cả nước và Thủ đô tác động; Đồng thời, nhân dân địa phương đã nắm thời cơ nhất tề nổi dậy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nguồn sức mạnh được nhân lên gấp bội, nhân dân đã đứng lên đập tan ách kìm kẹp của bộ máy tay sai thống trị Pháp - Nhật ở địa phương, lập nên chính quyền của dân, do dân làm chủ.

Bước sang giai đoạn cách mạng mới, cùng với cả nước, nhân dân Hạ Mỗ từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập. Được sống trong độc lập, tự do, nhân dân Hạ Mỗ bắt tay vào xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới mà nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền non trẻ, chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa.(Hết phần 4).

Xuân Việt.

[1] - Từ đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Hà Đông có 4 phủ và 5 huyện. Phủ Hoài Đức có 13 tổng, 92 xã, huyện Đan Phượng có 7 tổng, 48 xã. Hạ Mỗ thuộc tổng Thượng Hội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Từ năm 1831, Từ Liêm là một trong 3 huyện của phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Từ năm 1888, đất huyện Từ Liêm lệ vào phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, tên huyện Từ Liêm bị bỏ vì huyện Từ Liêm do phủ Hoài Đức kiêm lý, nghĩa là huyện nằm trong địa hạt cùng huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Tri phủ Hoài Đức đóng lỵ sở trên đất huyện Từ Liêm, kiêm coi huyện Từ Liêm, không đặt tri huyện.

 “Sở tại là những huyện nào?

 Thọ Xương, Vĩnh Thuận, phủ Hoài thống kiêm…”      

(Ca dao: Dạo xem phong cảnh Long Thành)

      Trong thực tế, các văn bản như: hương ước, văn tế vẫn định danh huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức ( “Hà Đông tỉnh, Hoài Đức phủ, Từ Liêm huyện, Thượng Hội tổng, Hạ Mỗ xã, Hạ Mỗ thôn).

[2] - Tướng “Năm Chữ” - một tù nhân cấm cố vượt ngục đã được nhân dân Hạ Mỗ che chở vì biết là người cương trực chống lại triều đình nhà Nguyễn. Do không biết tên thật nên chỉ gọi theo dấu “thích” 5 chữ trên trán của ông. Sau ngày ông bị giặc Pháp bắt, nhân dân xóm Lẻ lập miếu thờ gọi là miếu cụ Quận (hiệu Phúc Thành) với đôi câu đối còn đến ngày nay:

Cứu khổ tế bần tâm thị thánh.

Trừ tà phụ chính đức như thần.

(Cứu khổ, giúp nghèo tâm là thánh

Diệt tà, giúp chính đức như thần.)

[3] - Tổng Pháp (tức Chánh tổng Lê Hữu Pháp) - người đã từng thay mặt các thân hào địa phương đọc lời ngợi ca người chủ xướng - sư cụ Thanh Trang:

Thỏa chí tang bồng chưa gặp hội.

Nương nhờ bóng Phật tự ăn chay.

Để cơ sở Hội Thượng Chí được bảo toàn, ông giữ bí mật đến cùng và chịu nhận án lưu đày. Sau ba năm tù phát vãng, thực dân Pháp phải trả lại ông về địa phương quản thúc.

[4] - Huyện Từ Liêm xưa có câu: “Từ Liêm ngũ Hạ bất khả giao” nghĩa là huyện Từ Liêm có 5 làng Hạ không thể sai khiến (chữ Hán cùng tự dạng, đọc “giáo” nghĩa là dạy, đọc “giao” nghĩa là chỉ bảo, sai khiến). Đó là các làng: Hạ Yên Quyết (tổng Dịch Vọng), Hạ Cát sau đổi thành Đại Cát (tổng Hạ Trì), Hạ Trì (tổng Hạ Trì), Hạ Hội (tổng Tây Đam) và Hạ Mỗ (tổng Thượng Hội).

[5] - Thực dân Pháp cai trị Đông Dương dưới quyền kiểm soát của phát xít Nhật.

[6] - Thời kỳ này, ông Phan Anh là Bộ trưởng thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946) cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

[7] - Các nhà giáo: Nguyễn Đăng Hòa (người làng Bá Dương), Quách Duy Khuông (người làng Thúy Hội) và Lê Hữu Tục (tức Lê Kham) đã nối tiếp dạy đến Cách mạng tháng Tám (năm 1945).

[8] - Lịch sử Việt Nam, tập II, sđd.

      + Theo thống kê của các xã huyện Từ Liêm, số người bị chết đói năm 1945: Đại Mỗ ngót 1000 người, Tây Mỗ 500, Tây Tựu 300, Thụy Phương, Phú Thượng mỗi xã gần 200, Mễ Trì, Mỹ Đình, Nghĩa Đô, Liên Mạc mỗi xã chừng 100 người (Nguồn: Lịch sử cách mạng huyện Từ Liêm (sơ thảo), tập I (1926 - 1945), Hà Nội, 1990, tr. 100).

      + Theo Lịch sử cách mạng huyện Đan Phượng (1930 - 2015), Nxb. Hồng Đức, 2015: xã Liên Hà có gần 400 người chết đói, chết dịch, xã Phương Đình có 591 người chết đói, xã Đan Phượng có trên 200 người chết đói, xóm Ngõ Me, thôn Vĩnh Kỳ (xã Tân Hội) có tới 200 người chết đói, xã Thọ Xuân có 230 người chết đói, chết dịch, xã Thọ An có 185 người chết.

[9] - Sự phân hóa về chính trị trong giới quan lại, sĩ phu dẫn tới cuộc nổi dậy của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết ở kinh thành Huế. Sau khi ra đến Sơn Phòng Quảng Trị, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kể lại tình hình chiến đấu, lý do xuất hành, hô hào toàn dân ứng nghĩa chống xâm lăng.

[10] - Nay là xóm An Lạc, cụm dân cư số 3.

[11] - “Có nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân địa phương, mà những người   chỉ huy tự xưng là cai, đội, đề, đốc, lãnh binh…” (Lịch sử Việt Nam, tập II, sđd, tr. 77).

[12] - “Đông Kinh Nghĩa Thục là một tổ chức cách mạng có cống hiến lớn trong việc tuyên truyền, cổ động cách mạng, đồng thời, cũng góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa dân tộc, ngôn ngữ và văn tự Việt Nam. Cùng với phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã đóng vai trò quan trọng trong việc động viên lòng yêu nước, vận động binh lính, chuẩn bị cho bạo động vũ trang. Mới đầu, bọn thống trị Pháp tưởng Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tiến hành các hoạt động cải lương. Sau, chúng thấy đó thật là “cái lò phiến loạn” (Hồ sơ phủ Thống sứ Bắc Kỳ) ở Bắc Kỳ thì lập tức thẳng tay đàn áp. Tháng 12/1907, chúng đóng cửa trường, năm 1908, chúng bắt các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại…, tịch thu và cấm lưu hành, tàng trữ các tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục” (Lịch sử Việt Nam, tập II, sđd, tr. 120).

[13] - Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngoài sách Quốc ngữ còn biên soạn và ấn hành nhiều sách chữ Hán như các cuốn: Văn minh tân học sách (Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh), Tân đính quốc dân độc bản (Sách đọc của quốc dân), Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư (Sách giáo khoa lịch sử nước nhà), Nam quốc vĩ nhân truyện (Truyện vĩ nhân nước Nam), Nam quốc giai sự (Chuyện hay nước Nam).

[14] - “Một khi giai cấp phong kiến đã đầu hàng thực dân thì nho học cũng không thể còn thịnh được. Ở Nam Kỳ hầu như không còn gì đáng kể nữa; còn ở Trung Bắc, đến cuối thời kỳ Cần Vương, các sĩ phu nho học đã phải dùng  tín ngưỡng của đạo Lão và đạo Phật để huy động quần chúng chống Pháp”. (Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Lịch sử cận đại Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục, 1961, tr. 197).

[15]  - Còn gọi là Tư Cụ, quê ở xã Đại Mỗ, nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

[16]  - Tại Vinh - Nghệ An.

[17]  - Nay là miếu thờ thổ thần cạnh nhà hội họp của cụm dân cư số 6.

[18] - Sau Cách mạng tháng Tám, ông Lẫm tham gia cách mạng đã trở thành đảng viên, là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Hồng Thái.

[19] -  Đến tháng 12/1945, ông Nguyễn Thế Mai được cấp trên điều động đi công tác ở nơi khác, ông Nguyễn Thế Phục được cử lên làm Chủ tịch, ông Nguyễn Duy Thái làm Phó Chủ tịch.