LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Lịch sử Văn hoá truyền thống làng Hạ Mỗ. Phần 8
Publish date 06/05/2022 | 07:45  | Lượt xem: 423

11. Thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới (1986 – 1995)

Sau 10 năm cùng cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hạ Mỗ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp còn tồn tại, phương thức điều hành, quản lý còn yếu kém dẫn đến các nguồn lực chưa được phát huy, cản trở sự phát triển, làm nảy sinh tiêu cực, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Tháng 5/1987, Đảng bộ Hạ Mỗ đã triệu tập Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1987 - 1989. Căn cứ vào tình hình cụ thể  của địa phương và trên tinh thần đổi mới, Đại hội đã đề ra phương hướng chung cho nhiệm kỳ mới là: tập trung đổi mới cơ chế quản lý; khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động địa phương; đẩy mạnh sản xuất, lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 9 Đồng chí, trong đó, Đồng chí Nguyễn Đình Phúc làm Bí thư, Đồng chí Nguyễn Kim Chử - Phó Bí thư Thường trực Đảng.

Năm 1987, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, xã đã thực hiện giao đất làm kinh tế phụ gia đình tăng từ 5% lên 10%. Đây chính là sự khẳng định tầm quan trọng của kinh tế gia đình và quyền tự chủ của gia đình trong sản xuất. Được làm chủ trên một diện tích đất lớn hơn giúp các gia đình gia tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” (thường gọi là Khoán 10). Nghị quyết 10 đề ra cơ chế khoán mới, xác định hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã.

Sau một thời gian thực hiện cơ chế khoán mới, những thay đổi đã diễn ra rõ rệt trên quê hương Hạ Mỗ. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ, vụ đông được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Năm 1988 - năm đầu tiên thực hiện Khoán 10, năng suất lúa có sự phát triển vượt bậc, đạt 112 tạ/ha. Diện tích trồng cây vụ đông chiếm khoảng 70% diện tích trồng trọt, chủ yếu là cây ngô, khoai lang, đậu tương... Cùng với việc thực hiện cơ chế khoán mới và việc chấm dứt thực hiện nghĩa vụ lương thực, thực phẩm, việc chuyển sang hạch toán kinh tế (năm 1990) đã thúc đẩy sản xuất phát triển, năng suất, sản lượng lương thực ngày càng tăng.

Do tác động của cơ chế thị trường, hoạt động của hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán dần thu hẹp. Kinh tế thủ công nghiệp, dịch vụ được khơi dậy, cùng với các ngành, nghề thủ công truyền thống, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế cá thể của hộ gia đình đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành, nghề mới xuất hiện. Nhiều người đã mạnh dạn tìm tòi, học nghề mới, phát triển các ngành, nghề dịch vụ. Đến năm 1990, toàn xã có khoảng 1.500 lao động làm nghề ren vơ ni. Các ngành, nghề khác như xay xát, may vá, mộc, nề, vận chuyển cũng dần có sự phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương.

Hệ thống các công trình xây dựng cơ bản: điện - đường - trường - trạm được củng cố. Đến năm 1990, toàn xã có 99% hộ có xe đạp, đài cát - sét, một số   hộ có xe gắn máy. Tuy tình trạng thiếu ăn được khắc phục nhưng đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình vẫn chưa xây dựng được nhà kiên cố, vẫn còn nhà xây lợp rạ.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ Hạ Mỗ quan tâm chỉ đạo phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Năm 1988 - 1989, trường Phổ thông cơ sở được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học (khu nhà 2 tầng). Như vậy, khu trung tâm trường đã có 21 phòng, đủ cho 42 lớp với 1.187 học sinh theo học. Năm 1987 - 1988, xã đã mở được lớp chuyên đề kỹ thuật cho 50 học viên. Xã có hàng trăm cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ đại học và trung học đảm nhận các công việc ở địa phương và công tác ở các cơ quan Nhà nước, các đơn vị quân đội.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được giữ vững và nâng cao hiệu quả. Công tác kế hoạch hóa gia đình được quan tâm thực hiện. Cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình được nhân dân hưởng ứng. Năm 1990, tỉ lệ sinh toàn xã khoảng 2%.

Công tác văn hóa, thông tin được chú trọng. Tháng 12/1987, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, xã đã tổ chức sưu tầm, dịch thuật gần 60 văn bia của địa phương. Năm 1988, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU (ngày 17/5/1983) của Ban Thường vụ Huyện ủy “Về việc sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ” nhằm phục vụ đắc lực công tác giáo dục truyền thống ở địa phương, Đảng bộ đã tiến hành biên soạn và ấn hành cuốn sách Hạ Mỗ - Lịch sử và truyền thống. Đây là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện ý thức và sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân Hạ Mỗ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phân bố lại lao động và dân cư, để khai thác tốt tiềm năng kinh tế của các vùng và góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng tại những vùng biên giới của đất nước. Kết quả, từ sau giải phóng đến năm 1988, toàn xã đã có 52 hộ, 292 nhân khẩu, trong đó có 112 lao động bổ sung cho các vùng kinh tế mới đã xây dựng trước đây và ở Đức Trọng - Lâm Đồng.

Vai trò của Hội Đồng nhân dân được nâng cao. Ủy ban nhân dân nâng cao được năng lực quản lý. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được thực hiện theo tinh thần đổi mới. Trong 5 năm (1986 - 1990),  xã đã tiến hành 2 cuộc bầu cử Hội Đồng nhân dân vào năm 1987 và năm 1989. Thực hiện Luật tổ chức Hội Đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) ban hành, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (ngày 30/6/1989), tổ chức và hoạt động của Hội Đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã được thực hiện theo luật mới với nhiệm kỳ 5 năm.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (ngày 6/12/1989) về việc thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam và yêu cầu về thành lập tổ chức Hội các cấp để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng và nguyện vọng của cựu chiến binh, tháng 8/1990, Hội Cựu chiến binh xã Hạ Mỗ được thành lập [1].

Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tháng 9/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XVIII (vòng 2) đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ của huyện Đan Phượng trong nhiệm kỳ mới là: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, chú trọng công tác xây dựng Đảng.

Ngày 01/10/1991, thực hiện Quyết định của Quốc hội khóa VIII, Hạ Mỗ cùng với các xã, thị trấn của huyện Đan Phượng tách khỏi thành phố Hà Nội, trở lại tỉnh Hà Tây.

Tháng 8/1991, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Mỗ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1991 - 1994 được triệu tập. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những thành tựu và hạn chế của địa phương trong nhiệm kỳ trước và sau 6 năm đổi mới; từ đó, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ mới là: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; tập trung phát triển kinh tế, coi kinh tế là mặt trận hàng đầu; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền và đẩy mạnh hoạt động của các đoàn thể quần chúng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 9 Đồng chí, Đồng chí Bùi Thị Trù được bầu làm Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Hoàng Văn Cừ - Phó Bí thư phụ trách công tác tổ chức Đảng; Đồng chí Nguyễn Thế Tùng - Ủy viên Thường vụ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Tháng 2/1994, Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV tiếp tục khẳng định chủ trương về phát triển kinh tế và công tác xây dựng Đảng: “phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng bộ vững mạnh”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ, Đồng chí Bùi Thị Trù giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Đồng chí Nguyễn Thế Tùng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, XIV, Đảng bộ và nhân dân Hạ Mỗ đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, giành được nhiều kết quả đáng mừng, đánh dấu một bước đi quan trọng trong công cuộc đổi mới ở địa phương.

Xác định kinh tế là mặt trận hàng đầu, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 41-KL/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 11-NQ/HU của Huyện ủy, Đảng bộ đã chỉ đạo hợp tác xã thực hiện việc giao ruộng đất ổn định lâu dài. Năm 1992, bước đầu, xã đã cấp đất cho 6.062 khẩu. Việc giao ruộng đất lâu dài cho hộ xã viên đã tạo động lực to lớn, thúc đẩy nông dân tích cực sản xuất và đầu tư thâm canh, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Đi đôi với phát triển kinh tế, công cuộc đổi mới đã phát huy tác dụng tích cực trên các mặt văn hóa - xã hội. Sự nghiệp giáo dục đào tạo được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng. Năm 1992, trường Phổ thông cơ sở Hạ Mỗ được tách thành hai trường là trường Tiểu học Hạ Mỗ và trường Trung học cơ sở Hạ Mỗ. Trường Tiểu học do cô Bùi Thị Chúy làm Hiệu trưởng. Trường Trung học cơ sở do thầy Nguyễn Khắc Xuất làm Hiệu trưởng, có 9 lớp với 340 học sinh. Mặc dù, ban đầu, cơ sở vật chất của các trường còn khó khăn, trường Tiểu học có 13 phòng học, trường Trung học cơ sở có 7 phòng học nhưng cả thầy và trò đã có nhiều cố gắng trong dạy và học. Hội phụ huynh học sinh hoạt động có hiệu quả, thường xuyên vận động phụ huynh cho con em đến trường. Nhờ đó, số học sinh bỏ học giảm dần, chất lượng giáo dục dần dần được nâng cao. Trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở Hạ Mỗ nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến.

Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Trạm y tế xã được sửa sang, nâng cấp, hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng, uống vắc - xin phòng bệnh, tích cực thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Năm 1995, tỉ lệ sinh của xã giảm xuống còn dưới 2‰, tỉ lệ sinh con thứ ba giảm còn 11%.

Trong công tác văn hóa - thông tin, xã chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương qua việc xây dựng Quy ước làng văn hóa làng Hạ Mỗ (năm 1995), làng Trúng Đích (năm 1997) và Quy ước hai làng (năm 2002) phù hợp với pháp luật của Nhà nước. Ngày 24/2/1992 (tức ngày 21, tháng Giêng, năm Nhâm Thân), xã long trọng tổ chức đón bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ba di tích: đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến [2]  và lễ hội truyền thống. Đài truyền thanh được đầu tư, tu bổ cơ sở vật chất, phát sóng thường xuyên, tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng tới toàn dân, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân địa phương.

Trong 5 năm (1991 - 1995), quán triệt phương châm “Phát triển kinh tế là trọng tâm, công tác Đảng là then chốt”, Đảng bộ Hạ Mỗ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn ban đầu của công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

12. Thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp, Nông thôn (1996 – 2015)

Năm 1996, Đảng bộ xã Hạ Mỗ đã tổ chức Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 1996 - 2000. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đồng chí Đinh Hữu Vượng được bầu làm Bí thư; Đồng chí Nguyễn Thế Tùng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Về kinh tế nông nghiệp, xã chỉ đạo nhân dân bám sát thời vụ, tích cực chuyển đổi sang các giống cây trồng có năng suất cao và chuyển diện tích cấy lúa năng suất thấp, vườn tạp sang trồng cây ăn quả, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cơ cấu giống, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác xã.Năm 1997 xã đã xây được 3,5km kênh mương bê tông với kinh phí 535 triệu Đồng, trong đó, xã tự làm 600m với kinh phí 105 triệu Đồng. Ngày 5/4/1997 “chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”, xã đã triển khai ở các cụm dân cư, trong đó, 5/10 cụm dân cư đã chuyển đổi thành công, giảm số ô thửa từ 3.458 thửa xuống còn 1.547 thửa; qua đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại, vườn trại, sản xuất hàng hóa.

Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và giao thông nông thôn được chú trọng. Xã đã tiến hành tu bổ, nâng cấp nhiều đoạn đường làng, xóm với số tiền gần 200 triệu Đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 70 triệu Đồng và hàng ngàn ngày công. Cùng với trồng trọt, xã tập trung đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành chính, nâng cao tỉ lệ ngành chăn nuôi trong nông nghiệp. Một số nghề đã có sự phát triển về quy mô và tốc độ như: làm đậu phụ, mộc, nề, nung vôi, thêu.

Cùng với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, tuy nhiên, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, phục vụ cho đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Xã đã tạo mọi điều kiện để các em trong độ tuổi đến trường được đi học. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho việc dạy và học được tăng cường. Xã đã xây được 12 phòng học cho trường Tiểu học với kinh phí trên 676 triệu Đồng.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Xã quan tâm nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế. Năm 2000, trạm y tế xã đã cử 1 y sĩ đi học nâng trình độ lên bác sĩ. Nhận thức của nhân dân về vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ môi trường ngày càng có nhiều tiến bộ. Năm 2000, toàn xã có 80% gia đình sử dụng giếng khoan, 118 hộ đã xây hầm khí biogas.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp. Đồng thời, công tác giáo dục truyền thống quê hương được chú trọng thực hiện. Ngày 8/7/1997, được sự phối hợp, giúp đỡ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng và Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức thành công Hội thảo về thân thế, sự nghiệp danh nhân Tô Hiến Thành, sau đó, cho ra mắt tập kỷ yếu Danh nhân Tô Hiến Thành - cuộc đời và sự nghiệp [3].

Mặt trận Tổ quốc đã từng bước củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đoàn viên, hội viên. Bên cạnh đó, Mặt trận đã tổ chức tốt các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội Đồng nhân dân các cấp; tổ chức cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”, phối hợp với các ngành hoạt động, là trung tâm đoàn kết toàn dân.

Hoạt động của các đoàn thể quần chúng diễn ra sôi nổi với nội dung phong phú. Mỗi tổ chức tự xác định nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh hoạt động, đem lại hiệu quả. Nhìn chung, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương  đã có nhiều đổi mới, từ đó, tăng cường hiệu quả hoạt động, góp phần động viên tinh thần thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau 5 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nền kinh tế - xã hội Hạ Mỗ đã có những bước tiến quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng ngày càng được bổ sung, nâng cấp. Các mặt văn hóa, giáo dục, y tế phát triển không ngừng. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy vai trò tích cực trong huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tháng 8/2000, Đảng bộ xã Hạ Mỗ tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2000 - 2005. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 9 Đồng chí, trong đó, Đồng chí Nguyễn Xuân Mộc được bầu làm Bí thư, Đồng chí Nguyễn Quý Đào - Phó Bí thư Thường trực Đảng.

Bước vào thiên niên kỉ mới, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2000 - 2005 đòi hỏi sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân địa phương.

Về kinh tế, trước hết, Đảng bộ quan tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế thông qua việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các loại cây trồng, hàng hóa có giá trị kinh tế cao, khuyến khích phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại.

Kết quả, sau 5 năm (2000 - 2005), với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong xã, sản xuất nông nghiệp liên tục có sự phát triển. Trên địa bàn xã đã xuất hiện một số mô hình trồng cây có giá trị, cho thu nhập cao như cây bưởi Diễn, đu đủ và một số cây rau màu khác.

Về chăn nuôi, xã chú trọng công tác chọn giống, công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các buổi phổ biến khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Nhờ đó, ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, chăn nuôi theo hướng công nghiệp ngày càng tăng. Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại và lợn xuất khẩu ngày càng mở rộng về quy mô. Cùng với phát triển chăn nuôi, xã đã triển khai tốt dự án xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm ủ khí biogas, góp phần đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái.

Với quan điểm đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp là vấn đề cốt lõi để thoát khỏi cảnh nghèo khó của vùng thuần nông, một số nghề phụ tiếp tục được duy trì và phát triển, trong đó có nghề làm rượu đặc sản Hạ Mỗ. Xã đã mở được 5 lớp khuyến công truyền nghề thêu, cắt may dân dụng cho khoảng 200 học viên. Hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân địa phương, đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo để từng bước nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Chất lượng giáo dục ngày càng được đảm bảo. Hội Đồng giáo dục xã được củng cố, duy trì thường xuyên việc tuyên dương, khen thưởng cho học sinh và giáo viên có nhiều thành tích trong học tập và giảng dạy.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao có những bước phát triển mới. Xã duy trì thường xuyên  các hoạt động giao lưu văn nghệ, Hội khỏe Phù Đổng. Năm 2005, xã tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao lần thứ 2. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được đẩy mạnh. Xã duy trì cơ bản bỏ hút thuốc lá trong việc cưới, việc tang, tổ chức mừng thọ tiết kiệm. Toàn xã lắp đặt được hệ thống đèn chiếu sáng ngõ xóm vào ban đêm.

Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân huyện và Ban Liên lạc họ Tô toàn quốc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 900 năm ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Một giọt Đồng đúc tượng danh nhân”. Năm 2003, tượng danh nhân Tô Hiến Thành được dựng trong khuôn viên đền Văn Hiến. Năm 2005, xã đã tiến hành lễ khởi công tu bổ, tôn tạo đền Văn Hiến với tổng số vốn Nhà nước đầu tư trên 2 tỉ Đồng. Sau đó, Ban Quản lý di tích và nhân dân trong xã đã đóng góp công đức sửa chữa, tu tạo các di tích: chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, đền Tri Chỉ, chùa Báo Ân, đình làng Trúng Đích. Những hoạt động này mang ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Năm 2001, Đảng ủy đã chỉ đạo sáp nhập 10 Chi bộ sản xuất thành 5 Chi bộ. Lúc này, Đảng bộ có 6 Chi bộ trực thuộc, trong đó có 5 Chi bộ ở khu dân cư và 1 Chi bộ nhà trường. Công tác phát triển đảng viên mới được chú trọng. Trong 5 năm (2000 - 2005).

Qua 5 năm đầu của thế kỷ XXI (2001 - 2005), trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân Hạ Mỗ đã đoàn kết phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những thành tựu đáng chú ý trong phát triển kinh tế nông nghiệp đang dần tạo đà cho nền kinh tế địa phương tiến lên những bước mới với cơ cấu cân đối, toàn diện. Các mặt văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội được xây dựng ngày càng vững mạnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tinh thần thi đua, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ ngày 15 - 16/8/2005, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Mỗ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 được tiến hành. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới, Đồng chí Uông Tuấn Đạc được bầu làm Bí thư, Đồng chí Bùi Tất Thêm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Đồng chí Nguyễn Quý Đào - Ủy viên Thường vụ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng bộ Hạ Mỗ nhanh chóng triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đoàn kết nhân dân, tích cực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh có năng suất, chất lượng cao, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa; Chỉ đạo thực hiện các mô hình cho thu nhập trên 50 - 100 triệu Đồng/ha/năm; Bố trí cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất đại trà; Thực hiện dồn điền, đổi thửa, thực hiện sản xuất theo đúng vùng quy hoạch. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; Làm tốt công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, huy động các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp; Chú trọng nạo vét kênh mương, tu sửa giao thông nội Đồng.

Xã phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp quy mô trung bình và chăn nuôi trang trại, quy hoạch xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Ngành dịch vụ - thương mại tiếp tục phát triển với quy mô vừa và nhỏ. Sự phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế địa phương.

Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, xã tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân. Được sự quan tâm của Huyện ủy, xã đã tiến hành nâng cấp 3 tuyến đường bờ mương Đan Hoài, đê Tiên Tân, đường Hạ Mỗ đi Tân Hội; củng cố hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm với kinh phí gần 10 tỉ Đồng; đầu tư xây dựng, củng cố trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở với số vốn trên 22 tỉ Đồng. Bên cạnh đó, xã tích cực đầu tư cho các công trình văn hóa như xây lăng mộ danh nhân Tô Hiến Thành. Ngoài ra, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước tu sửa đình Vạn Xuân, đình làng Trúng Đích, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến... và nâng cấp đường làng, ngõ xóm với tổng số tiền hàng chục tỉ Đồng.

Trường Mầm non Hạ Mỗ (Ảnh: Xuân Việt)

Tháng 1/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Kết luận số 19-KL/TW và Quốc hội ra Nghị quyết số 15 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, trong đó có việc hợp nhất tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Ngày 31/3/2008, Hội Đồng nhân dân tỉnh Hà Tây nhất trí chủ trương sáp nhập và kể từ ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội. Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng. Từ đây, nhân dân Hạ Mỗ tiếp tục chung sức Đồng lòng với nhân dân Hà Nội xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Sự nghiệp giáo dục luôn được quan tâm đầu tư. Cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, đáp ứng công tác dạy và học. Đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, 100% giáo viên đều đạt và vượt chuẩn. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm tăng. Cả ba trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở đạt tiên tiến. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở giữ vững danh hiệu trường chuẩn Quốc gia.

Công tác văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm. Ban Văn hóa - Thông tin xã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; Xã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trường Trung học cơ sở Tô Hiến Thành ba năm liền đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Hoạt động thể dục thể thao và phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại có những chuyển biến tích cực, phát triển rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, được nhân dân hưởng ứng đông đảo, đặc biệt là Hội Người cao tuổi. Năm 2010, xã tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao lần thứ 3.

Trải qua 5 năm (2005 - 2010) xây dựng, phát triển kinh tế, Đảng bộ Hạ Mỗ đã có nhiều cố gắng, bám sát thực tiễn địa phương, chỉ đạo toàn diện và đạt được những thành quả quan trọng. Trong hai ngày 29 - 30/5/2010, Đảng bộ đã triệu tập Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với chủ đề: “Phát huy truyền thống quê hương danh nhân Tô Hiến Thành, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã Hạ Mỗ giàu đẹp, văn minh”. Đồng chí, Đồng chí Uông Tuấn Đạc giữ cương vị Bí thư, Đồng chí Bùi Tất Thêm - Phó Bí thư Thường trực, Đồng chí Nguyễn Quý Đào - Ủy viên Thường vụ phụ trách chính quyền.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế là đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, trong đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ là mũi nhọn. Có thể nói, kinh tế Hạ Mỗ trong những năm 2010 - 2015 đã đạt được mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt ≈ 11%. Cùng với đó, sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đánh dấu bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế địa phương. Năm 2011, cơ cấu ngành kinh tế: nông nghiệp chiếm 15,86%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,83%; dịch vụ - thương mại chiếm 39,3%. Đến năm 2015, nông nghiệp chiếm 26,6%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 32,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 41,3%.

Một trong những thành tựu nổi bật của việc triển khai đề án xây dựng nông thôn mới là tạo nên một diện mạo mới, khang trang hơn cho quê hương Hạ Mỗ với các công trình tiêu biểu như: Năm 2011, xây dựng trường Mầm non trung tâm, nhà làm việc của Ủy ban nhân dân xã, nhà hiệu bộ của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Hiến Thành. Năm 2012, triển khai xây dựng 13 tuyến đường ngõ xóm theo Quyết định số 1/2012/QĐ-UBND (ngày 4/4/2012) của Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng về hỗ trợ 29% giá trị vật liệu; tập trung chỉ đạo thực hiện Kết luận số 58, số 62 của Huyện ủy và Kế hoạch 83 của Ủy ban nhân dân huyện về xây dựng đường, ngõ xóm có sự hỗ trợ của Nhà nước với tổng số 98 tuyến đường, ngõ xóm, chiều dài là 10.997 km; phối hợp với Ban Quản lý các dự án huyện kè ao môi trường xóm Trại, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ của 3 xã, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong xã. Năm 2013, Đảng ủy tập trung chỉ đạo công tác đầu tư các dự án giao thông trục làng, đường nội Đồng theo Kết luận số 71 của Huyện ủy, Kế hoạch số 37 của Ủy ban nhân dân huyện. Năm 2014, xây dựng và hoàn thiện các công trình nhà hội họp cụm dân cư số 1, 2, 4, 6, 7, 10; mương tiêu, thoát nước thôn Trúng Đích, cống hộp vào làng Hạ Mỗ…

Để hoàn thành những công trình này, nhân dân địa phương có sự đóng góp rất lớn cả về công sức và tiền bạc. Năm 2012, nhân dân đóng góp ngày công lao động làm đường, ngõ xóm trị giá 6,878 tỉ Đồng. Được sự vận động của chính quyền, nhân dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí và trực tiếp tham gia xây dựng 7 cổng chào, 26 cổng xóm, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí trên các trục đường làng, ngõ xóm. Nhân dân trong xã đã tham gia đóng góp 12 tỉ Đồng trong tổng mức đầu tư xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2014 là 107 tỷ Đồng.

Thời gian này, việc triển khai chương trình nông thôn mới không chỉ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tác động toàn diện tới các mặt công tác chính trị, văn hóa - xã hội.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh. Xã đã đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh trị giá 500 triệu Đồng, thành lập trang thông tin điện tử Hamo.vn (2012), tiến hành xây dựng thêm 2 nhà hội họp cụm dân cư trị giá trên 7 tỷ Đồng, thông qua đó, thúc đẩy việc thực hiện các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tháng 4/2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội kết hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng tổ chức Hội thảo khoa học về “Thành cổ Ô Diên”, khẳng định: “Ô Diên thuộc vùng Hạ Mỗ” và “vai trò lịch sử của thành Ô Diên với tư cách là kinh đô nhà nước Vạn Xuân ở nửa cuối thế kỷ thứ VI” [4]. Năm 2014, xã kết hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu mộc bản bộ sách Cổ kim truyền lục tới các độc giả nhân ngày Sách Việt Nam.

Năm 2014, thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU (ngày 24/9/2013) của Thành ủy Hà Nội về việc “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, Đảng ủy tiến hành sắp xếp, kiện toàn các tổ chức Đảng, đoàn thể; Đồng thời, tiến hành chia tách các Chi bộ, nâng số Chi bộ trực thuộc Đảng bộ từ 5 lên 10 Chi bộ.

Năm 2011, xã tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội Đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2016, qua đó, kiện toàn tổ chức chính quyền xã. Sau bầu cử, Đồng chí Nguyễn Quý Đào tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Hội Đồng nhân dân xã tổ chức có hiệu quả chương trình hoạt động hằng năm. Chất lượng hoạt động của Hội Đồng nhân dân ngày càng được nâng lên.

Từ ngày 18 - 19/5/2015, Đảng bộ Hạ Mỗ tiến hành Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại Đại hội, 13 Đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 3 Đồng chí, Đồng chí Uông Tuấn Đạc tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy, Đồng chí Bùi Tất Thêm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Đồng chí Nguyễn Đình Thụ - Ủy viên Thường vụ, phụ trách chính quyền.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi căn bản: Những thành tựu của gần 30 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gần nhất là thành công của chương trình nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến căn bản, tạo tiền đề, trở thành niềm tin và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình đó cũng là quá trình  rèn luyện, thử thách, tích lũy kinh nghiệm, từ đó, đảm bảo cho thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân trong xã trước vô vàn khó khăn, thử thách trên những chặng đường tiếp theo với quyết tâm: “Phát huy truyền thống văn hiến quê hương Danh nhân Tô Hiến Thành, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại - dịch vụ, làng nghề, tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng nông thôn mới, xây dựng xã Hạ Mỗ ổn định và phát triển”.

Sau gần 40 năm đất nước thống nhất (1976 - 2015), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Hạ Mỗ đã tiến được một bước dài. Trong 10 năm đầu sau khi thống nhất đất nước, cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp còn tồn tại đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đại hội VI (năm 1986) đã thực sự tạo một bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hạ Mỗ nói riêng. Sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hạ Mỗ đã phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điều đó không những được minh chứng bằng hàng loạt những chỉ tiêu đạt được mà còn được minh chứng bởi những thay đổi rõ rệt trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng luôn được giữ vững. Được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, toàn thể nhân dân đã đoàn kết thống nhất, phối hợp với Đảng và chính quyền trong việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương, tạo thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc trước âm mưu của các thế lực thù địch. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những thành tựu đó chính là nền tảng quan trọng để Hạ Mỗ vững bước trên các chặng đường tiếp theo.

NXV.TTTĐT


[1] - Ban Vận động thành lập do Đảng ủy xã và Ban Vận động thành lập Hội Cựu chiến binh huyện phân công bao gồm các đồng chí: Nguyễn Quý Cơ, Nguyễn Tọa, Bùi Tất Lộc, Nguyễn Như Man.

[2] - Ba di tích đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 2/10/1991.

[3] - Cuốn sách do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây cấp phép, xuất bản năm 1999.

[4] - Trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thành cổ Ô Diên, Hà Nội, 2011