LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Khảo sát các di tích trên địa bàn xã Hạ Mỗ
Publish date 20/09/2024 | 10:47  | Lượt xem: 223

Ngày 18/9/2024, Đoàn khảo sát do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

Cùng tham gia đoàn có các đồng chí Tiến Sỹ - Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Về phía huyện có đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ.

Đoàn khảo sát thực tế tại đền Chính Khí, xã Hạ Mỗ

Đoàn khảo sát địa hình, các địa danh, xứ đồng xác định dòng sông Nhuệ cổ chảy qua Hạ Mỗ, các nhánh sông chảy về sông Đáy, xuôi về Liên Mạc; Khảo sát thực tế hệ thống di tích lịch sử của xã Hạ Mỗ như đền Tô Hiến Thành, đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng và các di tích khác.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nghiên cứu thực tế tại chùa Báo Ân, xã Hạ Mỗ

Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hoá truyền thống. Nơi đây hiện còn mang dấu tích thành cổ Ô Diên. Đã từ lâu người dân Hạ Mỗ luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều nét văn hoá truyền thống, nhiều vết tích cổ còn lưu lại. Đặc biệt, danh nhân Tô Hiến Thành được dân làng Hạ Mỗ vô cùng kính trọng và thờ phụng tại đền Văn Hiến. Qua nhiều lần trùng tu, đền được mở rộng nhưng những giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như bộ bia Khoa tràng ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi; các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ kim truyền lục” với hơn 500 bài chia làm 4 tập Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh do các nho sĩ trong làng sáng tác và xuất bản vào đầu thế kỷ XX; thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… Đây là những tư liệu quý được ví như “kho báu văn hóa” của làng, là tài liệu minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa.

Chương trình khảo sát nhằm thu thập tư liệu, nghiên cứu toàn diện về lịch sử văn hóa của địa phương, phục vụ công tác tổ chức hội thảo về danh nhân Tô Hiến Thành trong dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của quê hương Đan Phương.

Theo Cổng TTĐT huyện Đan Phượng